610 815
Ngày đăng: 22:45:54 21-06-2016-- Lượt xem: 6946.
Kích cỡ chữ: Giảm - Tăng

Bản thể chân như qua hình ảnh Nhất Chi Mai của Thiền sư Mãn Giác

Hoa Mai là loài hoa mà từ màu sắc cho đến mùi hương đều khiến cho các loài hoa khác phải ngưỡng mộ. Tính đặc thù của hoa Mai là chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt và do trải qua thời thiết khắc nghiệt nên nên hoa mai có một vẻ đẹp, hương thơm tinh khiết.
NO PHOTO
Vì vậy hoa mai được ví cho người quân tử. Riêng đối với Thiền sư Mãn Giác thì hoa mai trong bài “Cáo tật thị chúng” chính là biểu tượng của bản thể chân như bất diệt của pháp thân thanh tịnh luôn thường hằng trong sự vận chuyển sinh diệt không ngừng của các pháp hữu vi.

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Để có thể nắm bắt được vẻ đẹp tinh tế của bản thể chân như qua hình ảnh “một cành mai”, thiết nghĩ chúng ta nên khái quát một chút về khái niệm bản thể chân như ấy.

Trong vũ trụ bao la vô cùng vô tận này, những sự vật hiện tượng tâm lý và vật lý có vô lượng vô biên với muôn ngàn hình thức sai biệt. Nhưng tất cả đều bị chi phối bởi quy luật vô thường. Không có một vật nào tồn tại vĩnh cửu bất biến cả, sự hiện hữu hay hoại diệt của các pháp chỉ là sự kết hợp hay tan rã của nhân duyên. Tuy nhiên, trong cái vô thường sinh diệt đó vẫn có mặt của thực tại tối hậu, đó là Chân Như - bản thể của pháp giới. Nó không phải là Đại Ngã của Phạm Thiên, không phải là đấng Tạo hoá hay Thượng đế. Nó siêu việt qua ngôn ngữ và suy nghĩ của thế gian, của tri thức nhị nguyên chấp thủ. Ta gọi nó là “Như”, nghĩa là như như bất biến. Ngoài cái “Như” này ra thì tất cả đều biến dịch, đã biến dịch thì không thể gọi là chân thực được. Bởi vì chân thực thì phải “bất biến”, phải “như”. Do vậy, cái bản thể của vạn vật được gọi là “Chân như”. Đã là Chân như thì bất cứ ở đâu hay lúc nào cũng thế, nó luôn luôn hiện hữu trước mắt ta, nhưng vì bị vô minh che lấp, tình thức sai sử lôi kéo nên ta không thể kiến ngộ được. Ngay trong tâm thức chúng ta đã phân biệt mà sinh khởi chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Chủ thể thuộc về thức là năng biến, còn đối tượng là cảnh tuỳ thức biến hiện, là sở biến. Qua hai lớp vọng kiến này chúng ta chỉ có thể thấy được cái hiện tượng bên ngoài thôi, còn cái bản thể bên trong thì không thể thấu triệt được.

Tuy nhiên, chân như  hay nói khác đi là bản thể vẫn không rời các sự vật hiện tượng. Nếu như chúng ta phá tan được màn vô minh chấp thủ thì trí giác diệu minh sẽ đồng giao cảm với chân tính trong trạng thái hồn nhiên, vô phân biệt. Đến đây pháp thân thanh tịnh sẽ hiển lộ và vạn vật sẽ trở nên mầu nhiệm khôn cùng:

“Chim kêu oanh gọi xuân còn mãi

Liễu lục, hoa hồng lộ pháp thân”.

Sự nhận thức về cái đẹp của bản thể chân như không phải dễ dàng. Chỉ khi nào mọi biến hiện tâm lý và vật lý đều hiện sinh rõ ràng trên dòng chảy của tâm thức thì chúng ta mới thấy được cái chân thực. Lúc ấy mọi sự vật, hiện tượng đều biểu hiện của “như thị”. Ngộ Ấn thiền sư cũng nói về ý nghĩa này:

Diệu tính chân như bất khả phan

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận

Liên phát lô trung thấp vị can.

Dịch thơ:

Chân như bản tính khó vin nói

Chứng ngộ chân như vốn rộng dài

Trên núi ngọc thiêu màu vẫn nhuận

Trong lò sen nở sắc thường tươi.

Một khi đã chứng ngộ được bản thể thì bất cứ một hiện tượng nào cũng phô bày chân như cả, cho nên Thiền Lão Thiền sư thời Lý cũng đã hạ hai câu tuyệt bút:

“Thuý trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân”.

Nghĩa là:

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác

Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.

Giá trị đó là cái bản thể duy nhất của vạn vật nên cũng được gọi là “nhất như”. Nhất như là tự tính của các pháp, cho nên dù có thiên hình vạn trạng nhưng vạn pháp vẫn đồng một bản thể chân như. Thiền sư Trường Nguyên có nói: “ ở trong bụi trần mà chẳng nhiễm bụi trần”. Mối quan hệ giữa bản thể và thân tứ đại con người được ngài Đạo Huệ diễn tả đầy đủ trong bài kệ:

Xác thân và diệu thể

Chẳng hợp chẳng lìa xa

Nếu ai muốn phân biệt

Trong lò một cành hoa.

Chính vì thế mà Thiền sư Mãn Giác đã nhấn mạnh đến tính bất biến, nhiệm màu của chân như, của cái đẹp pháp thân bất diệt qua hình ảnh “một cành mai”:

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.

 Không phải ngẫu nhiên mà tác giả bỏ sót động từ trong câu thơ cuối cùng. Với lối hành văn vượt nguyên tắc văn phạm như thế thì đối với nền văn học hiện đại ngày nay không có gì lạ, nhưng vào thế kỷ XI - thời đại của các thiền sư thì lối viết như vậy quả là hết sức mới mẻ và đầy sáng tạo độc đáo!

Đêm qua, sân trước, một cành mai”, ba cụm từ rời rạc là thế mà đọc lên vẫn rõ nghĩa vô cùng. Sự độc đáo không phải chỉ thể hiện ở điểm đó mà còn ở kết cấu tiết điệu. Bốn câu thơ đầu vừa ngắn vừa mạnh, khắc hoạ nên bức

 tranh toàn cảnh về nhân sinh vũ trụ với bao thăng trầm biến đổi:

“Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai”.

Đến dòng thứ năm, câu thơ đột nhiên chuyển sang nhịp điệu nhẹ nhàng hơn, nhưng mang cả một nghịch đề phủ nhận hoàn toàn, khiến độc giả không khỏi bàng hoàng: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Không phải bàng hoàng vì cảm thấy hụt hẫng, mất mát mà vì chợt giật mình khi hiểu rằng chẳng có cái gì bị mất cả, tất cả vẫn còn nguyên vẹn, bởi lẽ:“Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Thông thường thì một câu chỉ hoàn bị khi nào nó có đầy đủ chủ từ (Subject) và động từ chính (Main verb). Một sinh thể chỉ được xem là hiện hữu nhờ vào cái dụng (sự hoạt dụng) của nó. Cái dụng của sinh thể được diễn tả bằng động từ chính trong câu. Ở đây Thiền sư không cần tuân theo cái thông lệ văn phạm đó. Câu cuối của bài thơ đã không có và không cần có động từ. Tất cả các pháp vốn là không (chân không) nhưng vẫn hiện hữu một cách mầu nhiệm (diệu hữu), có sinh có diệt nhưng vẫn thường tịch vô sinh.

Cụm từ “đình tiền” đúng ra phải dịch là “trước sân” chứ không phải là “sân trước”. Đó là một cụm từ chỉ nơi chốn, nhưng vì ở đây câu từ riêng biệt. Cũng vậy, “tạc dạ” là một cụm từ chỉ thời gian, nhưng có nhiệm vụ như một danh từ kép độc lập trong câu. Còn “Nhất chi mai” cũng chỉ là một cụm từ chỉ vật thể, nhưng khi mới đọc vào ta luôn liên tưởng đó là chủ từ. Kỳ thực nó không phải là chủ từ (vì nếu có chủ từ thì phải có động từ). Như vậy, ba cụm từ trong câu có vẻ độc lập, rời rạc trong văn phạm nhưng lại liên hệ chặt chẽ với nhau về mặt ngữ nghĩa. Do ảnh hưởng của câu không có động từ nên nó thể hiện được một thế giới tĩnh lặng, vắng bặt mọi hoạt dụng của vật thể. Các câu trên càng rộn ràng bao nhiêu thì câu cuối cùng chỉ còn là một sự tịch lặng vô biên.

Mỗi cụm từ đều có vai trò, vị trí và ý nghĩa riêng của nó. Đình tiền, tạc dạ, nhất chi mai: không gian, thời gian, hiện thể - chúng không rời nhau để hiện hữu, vì mỗi cụm từ đều nhờ vả vào những cụm từ khác để tạo thành một câu có ý nghĩa. Câu không có chủ từ đã cho ta thấy không hề có cái ngã, sự hoạt dụng của ngã hay thuộc tính của ngã gì cả. Nơi chốn, thời gian, hiện thể tuy là ba nhưng cũng là một. Chúng hiện hữu bình đẳng, độc lập nhưng lại duyên với nhau để tồn tại, duyên với nhau nhưng không hề ngăn ngại nhau, cái này toả chiếu trong cái kia, cái kia ảnh hiện trong cái này.

Chỉ với sáu câu thơ mà Thiền sư Mãn Giác đã nói được những tinh tuý của Thiền học Phật giáo nơi đỉnh cao trác tuyệt. Ngôn ngữ của một bậc đạt đạo dù không giũa gọt, uốn nắn, sắp ý, đặt lời nhưng đã trở lên một tuyệt tác. Bài thi kệ sáng tác ra không phải để cho chúng ta mổ xẻ hay bình giải vì tất cả những kiến giải chỉ là vọng huyễn mà thôi. Ở đây, Thiền sư muốn dạy cho hàng môn nhân đệ tử về sự liễu ngộ vô thường và nhận ra được bản thể chân như của mình qua hình ảnh “một cành mai”:

“Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai”.

Với cành mai ấy, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hương Tâm đã viết:

Thiền sư đang nói với chính mình hay đang nói với đệ tử ? Ngài đang hy vọng hay xác tín ? Chỉ biết rằng Ngài im lặng, đưa bàn tay lên mà chỉ cho chúng ta thấy rằng “Đêm qua sân trước một cành mai”. Không! Thiền sư Mãn Giác không định xoa dịu nỗi đau khắc khoải tuyệt vọng của chúng sinh bằng một sắc hoa mai, cũng không phải rao giảng về lẽ “sắc sắc - không không” hay quy luật sinh hoá vô thuỷ vô chung của trời đất. Một lần nữa, thực tại và những điều trông thấy đã làm ông phá chấp. Dường như ông nói với chúng sinh: Đừng băn khoăn nhiều về lẽ tử sinh trừu tượng mơ hồ. Hãy bớt run sợ trước quy luật lạnh lùng của tạo hoá. Và nhìn kìa, thực tại khác hẳn; đa dạng, phong phú, bất ngờ ... Trên tro tàn gạch vụn và cả cái hư ảo của bể dâu, bất chấp cái khuôn khổ thời gian hạn định mà tạo hoá dành cho muôn loài, cành mai ấy đã âm thầm tích tụ nguồn nhựa nguyên sơ để hồi sinh, nảy lộc, trổ bông và rồi một đêm bừng nở không cần ánh sáng mặt trời: một sự tồn sinh hoàn toàn tự do tự tại

Còn đối với nhà phê bình văn học Nguyễn Nam thì kết luận rằng: “Khác với đoá sen vàng Kim - pà - la của đức Thế Tôn mà chỉ riêng mình Ca Diếp cảm hội được và nhoẻn miệng cười, “ nhất chi mai” của Mãn Giác Thiền sư là di vật, di huấn vi diệu tặng lại cho nhân sinh và ai nấy cũng có nụ cười trên môi mỗi khi đón nhận”.

Chính cành mai muộn màng ấy đã khẳng định cuộc sống bất diệt, mùa xuân vĩnh hằng. Phải hiểu mai và yêu đời lắm Thiền sư mới đặt được cành mai ấy vào bài thi kệ của mình trước lúc viên tịch. Mai chứ không phải là loài hoa nào khác, chỉ một cành chứ không phải cả vườn. “Nhất chi mai” - chừng đó cũng đủ phủ định “xuân tàn hoa lạc tận”. Đứng đầu trong “tứ hữu” của người xưa, Mai có vẻ đẹp không kiêu sa lộng lẫy, nhưng trăm bài ngàn chữ cũng không thể mô tả hết vẻ đẹp vừa ẩn, vừa toả của Mai. Hội hoạ, thơ văn đã “luỵ” trước vẻ đẹp bền bỉ, kín đáo, tao nhã, dịu dàng ấy. Lục Du đời Tống viết trên một trăm bài về Mai vẫn thấy chưa nói hết.

Vịnh mai thi tập cẩm” gồm 289 bài cũng chỉ viết về hoa Mai. Tranh thuỷ mặc của Trọng Nhân vẽ những đoá mai đen - trắng tĩnh tại mà vẫn bát ngát màu nắng của đời. Loài hoa ấy đã thức dậy rất sớm để báo tin xuân (Tảo mai), loài hoa ấy vẫn còn “xuân tàn hoa lạc tận” (Vãn mai). Gầy guộc đấy mà không ngả nghiêng theo gió. Một cành đấy nhưng chẳng lẻ loi cô độc. Hoa nối hoa, nụ liền nụ, sắc hoa trắng tinh khiết nổi bật trong màu xanh của lá, u hương thoang thoảng, căng nẩy sức sống, liên miên bất tận, hoa rụng kết trái, trái rụng cây con mọc ... Hiếm có loài hoa nào có sức sống dẻo dai bền bỉ và quá trình hoá thân mạnh mẽ đến thế. Người yêu mai bởi “cái đức lớn trong hồn hoa nho nhỏ”. Người xưa mượn Mai để biểu hiện tiết khí, phẩm hạnh của mình. Kẻ sĩ bất khuất Cao Bá Quát cũng phải hạ bút “Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa”.

Nếu như chúng ta nghe lòng chợt thoáng buồn khi đọc đến câu thơ thứ tư: “trên đầu già đến rồi”, thì ở đây chúng ta sẽ cảm thấy tâm hồn mình thanh thoát biết chừng nào qua hình ảnh “Nhất chi mai”! Thế mới biết ta chỉ cảm nhận thi ca theo cảm tính của riêng mình, chứ ở đây Thiền sư không hề bị vướng bận bởi sự vô thường trong vòng sinh hoá. Thiền sư chỉ nêu lên một sự thật rất tự nhiên trong quy luật sinh hoá của vũ trụ vạn vật mà thôi chứ không hề vì thế mà bi quan để rồi từ chối nó. Hình ảnh “một cành mai” chính là cái thần của bài thơ. “Cành mai” của Thiền sư vẫn còn đó, gần một ngàn năm qua, cành Mai ấy vẫn lung linh tươi thắm trong dòng thời gian vô thuỷ vô chung. Thế mới biết đằng sau sự  huỷ diệt chính là sự bất diệt.

 

 
Tác giả: Thích Đạo Phong
Ý kiến bạn đọc ()
Góp ý với chúng tôi trên Facebook
Thông tin Phật giáo
Liên hệ Phật giáo
thongke736761
Tổng số lần truy cập : 736761
Số lần truy cập hôm nay : 67
Số lần truy cập hôm qua : 202
Số lần truy cập tháng này : 6317
Số lần truy cập năm nay : 16326
Số trang xem hôm nay : 266
Tổng số trang được xem : 10934322
Người đang online : 1
Flag Counter
Ban Trị Sự Phật giáo Thừa Thiên Huế
Phật giáo huyện Phú Ninh
Ban Trị Sự GHPGVN huyện Duy Xuyên

 

Copyright© 2016 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam
Bản quyền thuộc : Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam

Địa chỉ: Chùa Đạo Nguyên, số 140 Phan Bội Châu, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: (0510) 3705010 - Email: truyenthongphatgiaoquangnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn phatgiaoquangnam.vn khi sử dụng thông tin từ website này
Thiết kế và chịu trách nhiệm kỹ thuật bởi: 0918.699.246 (Pd. Bảo Khánh Từ)

Email dành cho các cấp Giáo hội và bạn đọc gửi tin tức hoạt động Phật sự, bài viết nghiên cứu đến ban biên tập:
Email:  truyenthongphatgiaoquangnam@gmail.com
Xem hướng dẫn chọn vào đây
Dung lượng tối đa: 11MB
Các định dạng File nén sau: File.rar; File.zip
Các định dạng văn bản sau: File.doc; File.docx; File.pdf