1010 207
Ngày đăng: 09:04:40 22-06-2016-- Lượt xem: 6887.
Kích cỡ chữ: Giảm - Tăng

Vai trò của Phật giáo đối với xã hội Quảng Nam thế kỷ XVII

Trong hành trình trấn nhậm xứ Thuận Quảng thế kỷ XVI và liên tục mở cõi về phương Nam trong các thế kỷ XVII-XVIII, ngoài hành trang là quyết tâm của chủ tướng/tâm phúc/binh gia thân thuộc chúa Nguyễn, còn có rất nhiều yếu tố để làm bệ đỡ tư tưởng của chính quyền và ổn định nhân tâm cư dân vùng đất mới. Phật giáo và các tăng đoàn đã được nhìn nhận như nền tảng tư tưởng và phương cách để thực thi nan đề đó.
Bài viết của chúng tôi sau khi đặt vấn đề bối cảnh lịch sử là động lực thúc đẩy những con người mang gươm đi mở cõi, đã phân tích ba cơ sở chính trị - xã hội - kinh tế, từ đó tập trung phân tích bốn đóng góp và năm đặc điểm của Phật giáo Quảng Nam trong thế kỷ XVII - Thế kỷ tạo dựng sự đứng chân vững chắc của chúa Nguyễn ở phương Nam - Cũng là thế kỷ tạo nên cục diện tạm thời chia cắt Đại Việt làm hai Đàng Trong/Ngoài, cũng là thế kỷ chứng kiến chiến tranh đau thương của những tập đoàn phong kiến (1627-1672) và hoạt động thương mại biển tích cực ở cả hai Đàng trong thời Đại Thương ở Đông Nam Á (1450-1680). Kết luận của bài viết là Phật giáo ở Quảng Nam được hoằng dương, xuất hiện Thiền phái mới, ổn định xã hội, bệ đỡ tư tưởng an dân, ổn định nhân tâm và ổn định chính trị, tạo thêm sự đa dạng và đặc sắc của văn hóa xứ Quảng lưu giữ đến hôm nay.

1. Mở đầu
Những thế kỷ XVI-XVII-XVIII, theo Lịch sử Việt Nam giản yếu (2000) ghi nhận, “trong khi Nho giáo bước vào thời kỳ suy thoái thì Phật giáo lại được phục hưng. Các vua, chúa, quý tộc, quan lại cả hai Đường [Đàng] đua nhau tôn thờ đạo Phật, bỏ nhiều tiền của để trùng tu chùa cũ, xây cất nhiều chùa, tháp mới”. Hoặc Tiến trình lịch sử Việt Nam (2007) soạn về thời gian này chép, “kỷ cương Nho giáo suy đồi, người ta lại tìm về với Phật giáo. Hiện tượng cúng ruộng, cúng tiền để xây dựng, trùng tu chùa chiền trở thành phổ biến. Ngay cả vua, chúa, phi tần và quan lại các cấp cũng rất sùng mộ đạo Phật”[1].

Sau khi nêu minh chứng các ngôi chùa cất dựng/trùng tu, Lịch sử Việt Nam giản yếu kết luận: Thời kỳ này “Đạo Phật lại được xã hội tôn sùng và phổ biến hơn thời Lê sơ”[2] hoặc “Thế kỷ XVI-XVII đã chứng kiến một thời kỳ phục hưng Phật giáo ở Việt Nam”[3].

Từ một vùng đất mới sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt còn nhiều điều mới lạ cần khám phá, được sách Ô Châu cận lục (1555) do Sùng Nham hầu Dương Văn An nhuận sắc gọi là “Ô Châu ác địa”, xứ Quảng đã đón nhận những cư dân Việt thiên di theo bước đường của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng tránh mũi dùi công kích cận kề của người anh rể Trịnh Kiểm đầy tham vọng, đang nắm binh quyền ở thế đang lên ở Nam triều giữa lúc diễn ra quyết liệt cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều phân ly xã hội Đại Việt (1533-1592) để tranh quyền lãnh đạo tối cao và nhất thống.

Trong hành trình đi mở cõi, ngoài tâm thế của người chủ tướng/lữ hành không đơn độc khi bao quanh mình còn rất nhiều thân bằng quyến thuộc, binh gia tâm phúc, hành trang đi theo các chúa Nguyễn buổi ban sơ mở cõi là niềm tin vào một tương lai xán lạn hơn, huy hoàng hơn để xua đi đám mây đen và áp lực của họ Trịnh đang đè nặng lên con tim và khối óc trước biết bao dông tố của gia tộc mình. Đó là người cha Hưng Quốc công Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc Dương Chấp Nhất dâng dưa tẩm thuốc độc giết chết (1545). Đó là người anh ruột Lãng Quốc công Nguyễn Uông bị anh rể Trịnh Kiểm ra tay hạ sát để tước đoạt binh quyền. Đó là bản thân Nguyễn Hoàng lâm vào tình cảnh “chim lồng, cá chậu”, cần sớm tìm kế “tẩu vi thượng sách” để có thể thực hiện được mộng ước của cha anh tung cánh chim bằng ở một chân trời mới. Sách Việt Sử địa dư chép: “Lê Anh Tông, niên hiệu Chính Trị năm thứ nhất (1558), bấy giờ quyền bính lớn trong nước đều do Trịnh Kiểm nắm giữ, Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế ta [Nguyễn Hoàng] cầm quân đánh giặc, lập nhiều chiến công, được tiến phong là Đoan Quận công, khiến Trịnh Kiểm đố kỵ. Lúc ấy đương dụng binh với nhà Mạc, chưa rỗi để kinh lý đất Thuận Hóa, Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế ta bèn nhờ trưởng công chú [Nguyễn Thị Ngọc Bảo] cầu xin vào trấn giữ đất đó. Trịnh Kiểm cũng muốn lợi dụng chỗ đất hiểm trở nơi xa nên cũng ưng thuận. [Trịnh Kiểm] dâng biểu nói với vua xin trao cờ tiết [chỉ Thái Tổ] để đi trấn thủ. Mọi công việc trong cõi đều cho tự xử trí, chỉ thu phú thuế hàng năm mà thôi. Thế là người ở quê hương Tống Sơn và nghĩa dũng ở Thanh Nghệ đều vui vẻ đi theo. Ban đầu [Thái Tổ] lập bản doanh ở Ái Tử, vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, lòng người thuận phục. Đương thời mọi người đều khen là chúa Tiên”[4].

Trong hành trình mở cõi đó, để ổn định nhân tâm, chiêu binh mãi mã, củng cố và phát huy thế lực gia tộc, từng bước làm đối trọng quyền lực với phía Bắc cụ thể là tập đoàn chính trị Lê - Trịnh, các chúa Nguyễn, tiên khởi từ Nguyễn Hoàng đến con cháu của ông nối đời dựng nghiệp ở đất phương Nam đã tìm đến với Phật giáo như một công cụ/phương cách để thực thi lời vấn kế hư/thực chép trong Đại Nam thực lục tiền biên được gán cho của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái, vạn đời dung thân”[5] (Núi ngang một dải, muôn đời dung thân). Ngược lại, Phật giáo đã tận dụng được sự ưu đãi của nhà Chúa trong suốt hai trăm năm để khuếch trương thế lực tinh thần hoằng dương ở vùng đất mới với những tín đồ mới. Có thể thấy đây là một thời kỳ phát triển rực rỡ mới của Phật giáo sau giai đoạn hưng thịnh thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV)[6].

Tam giáo đồng nguyên (Nho - Phật - Đạo), nhưng có thể thấy tư tưởng Phật giáo đã thấm sâu vào trái tim và tư duy tình cảm lối sống của con người Việt Nam qua nhiều năm tháng lịch sử, qua nhiều thế hệ nối tiếp thuộc mọi tầng lớp xã hội trên dải đất cong cong hình chữ S. Có thể khẳng định trong Tam giáo thì Phật giáo có ảnh hưởng sâu và rộng nhất trong tổng thể lịch sử xã hội Việt Nam nói chung và xã hội Quảng Nam nói riêng trong thế kỷ XVII.

Bài viết của chúng tôi sẽ điểm lại diễn trình Nam tiến của các chúa Nguyễn trong hành trình mở cõi và vai trò của Phật giáo đối với cư dân vùng đất Quảng Nam trong thế kỷ XVII - một thế kỷ tạo dựng thế đứng chân vững chắc cho họ Nguyễn làm chủ đất phương Nam.

2. Các cơ sở cho đóng góp của Phật giáo ở Quảng Nam thế kỷ XVII

2.1. Cơ sở chính trị
Mặc dù đã được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt từ thế kỷ XV dưới thời nhà Hồ (1400-1407) và nhà Lê sơ (1428-1527) nhưng có thể thấy xứ Quảng Nam hậu kỳ thế kỷ XVI và sơ kỳ thế kỷ XVII còn rất phức tạp, là vùng đất tranh chấp của nhiều thế lực: các tàn dư của vương quốc Chămpa (Champa Kingdom), các lực lượng đồn trú của nhà Mạc, các vùng cao đặt dưới sự quản chế của các tù trưởng thị tộc bộ lạc, các lực lượng lưu dân phức tạp, dân tứ chiếng, người nước ngoài (thương nhân, tu sỹ truyền giáo, các lực lượng người Hoa thần tử của nhà Minh…) đã tạo nên một phức hợp chính trị xáo trộn, không thuần nhất và đa mầu sắc văn hóa/đa sắc tộc như xứ Đàng Ngoài khi đó.

Trên nền tảng đó, dựa trên quyết tâm cao của thủ lĩnh (chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các con cháu của ông), tâm kế trí lực của thần tử và muôn dân đã giúp cho họ Nguyễn những bước đi đầu tiên nhiều gian nan thử thách nhưng vững chắc trên con đường tương lai phía trước nhiều niềm tin hy vọng. Lúc mới vào trấn thủ Thuận Hóa, sau đó quản lãnh Quảng Nam, “lúc đầu Nguyễn Hoàng đã thiên trọng Đạo giáo, thích dùng Đạo sĩ; nhưng về sau ông lại yểm trợ Phật giáo để được lòng dân”[7]. Từ đó, các chúa Nguyễn đã thực hiện sự khoan giản an lạc của Phật giáo trong việc thiết lập thể chế, từng bước xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền quản lý.

Nhưng điều đáng chú ý bộ máy đó chưa có dấu hiệu quan liêu như phía Bắc, nói chung còn đơn giản và phù hợp với bối cảnh, nhân tình thế thái xứ Thuận Hóa và Quảng Nam khi đó. Theo Địa chí Quảng Nam Đà Nẵng (2010), “nhìn chung các chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng trong công cuộc dựng nghiệp của dòng họ ở phía nam cho đến vị chúa cuối cùng là Nguyễn Phúc Thuần đều là những người mộ đạo Phật”[8].

Bảng: Các chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1558 - 1777)[9]

 
STT Tên Hiệu Năm cai trị
1 Nguyễn Hoàng (1525-1613) Chúa Tiên 1558-1613 (55)
2 Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) Chúa Sãi 1613-1635 (22)
3 Nguyễn Phúc Lan (1601-1648 Chúa Thượng 1635-1648 (13)
4 Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) Chúa Hiền 1648-1687 (39)
5 Nguyễn Phúc Trăn (1649-1691) Chúa Nghĩa 1687-1691 (4)
6 Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) Minh Vương 1691-1725 (34)
7 Nguyễn Phúc Chú (1696-1738) Ninh Vương 1725-1738 (13)
8 Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) Võ Vương 1738-1765 (27)
9 Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777) Định Vương 1765-1777 (12)
 
 
Cơ sở chính trị quan trọng đầu tiên là sự tin yêu của dân chúng đối với vị chân chúa trẻ tuổi, nhiều cơ mưu, luôn khát khao mong mỏi người hiền tài đến giúp mình xây dựng cơ đồ có thể “tranh bá đồ vương” với thế lực họ Trịnh ngoài Bắc.

Cơ sở chính trị thứ hai đó là quyết tâm thoát ly vùng ảnh hưởng trung tâm (Thăng Long) của nhóm lãnh đạo mới xứ Thuận Quảng đứng đầu là Tiên chúa Nguyễn Hoàng.

Cơ sở chính trị thứ ba là lực lượng quan dân cũ kết hợp với lãnh đạo - quan - dân di cư mới, có điều đặc biệt là ít thấy sự phân biệt cũ/mới, ma cũ bắt nạt ma mới, chính cư/ngụ cư ở xứ Thuận Quảng như ở Đàng Ngoài. Điều đó cho thấy sự dung hợp yếu tố chính trị quan trọng để trên nền tảng đó phát triển lên một bộ máy tổ chức chính quyền mới cho phép tiếp cận/thâu thái/cải biến những cái mới tiến bộ ở vùng đất Thuận Quảng.

2.2. Cơ sở xã hội
Có thể nhận thấy cơ cấu dân cư Đàng Trong thế kỷ XVII là một phức hợp hòa trộn của nhiều thành phần:

- Xét theo thành phần dân tộc (Ethnics): đó là người Kinh, Hoa, Chiêm, Khmer, cư dân Nam Á và cư dân Malay-Đa đảo (Malay-polynesiens).

- Xét theo thành phần cư dân: có quan lại, binh lính dư đảng nhà Mạc, dư đảng thân tập đoàn phong kiến Lê

- Trịnh, và các lớp quan/tướng thuộc hạ của các chúa Nguyễn, dân di cư tự do hoặc cưỡng bức qua 7 lần giao tranh Trịnh - Nguyễn (1627-1672)[10], tội đồ, người ngoại quốc đến làm ăn, sinh sống (Nhật, Hoa, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ấn Độ…). Sử chép: “Chính sách định cư cấp tốc được những người kế vị Nguyễn Hoàng tiếp tục, phần lớn, với các thành phần đến từ bên ngoài: những người trốn chạy khỏi Đàng Ngoài, tù binh chiến tranh hay dân thường buộc phải di dời khi có các cuộc tấn công chống lại họ Trịnh, số di dân người Hoa và người Nhật, số người Chăm được đồng hóa dần dần. Dân số tăng nhanh và trở nên đông đúc”[11].

- Xét theo yếu tố văn hóa: sự đa dạng các nguồn cư dân bản địa, ngoại lai, di/nhập cư đã mang theo sự đa dạng sắc thái văn hóa, phức cảm tâm lý xã hội Đàng Trong - một xã hội mở vận hành theo hướng ly tâm (Thăng Long) và Nam tiến lấy xứ Quảng làm bàn đạp cho các bước tiến tiếp theo.

Sách Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII (2015) ghi nhận: “Nỗi bận tâm của họ Nguyễn trong giai đoạn này lại hoàn toàn khác: đối với họ, vấn đề không phải là bảo đảm phương tiện sinh sống cho một dân số luôn dư thừa, mà ngược lại, là củng cố tới mức tối đa số nhân lực để có thể là chỗ dựa cho một quốc gia mới hình thành. Nguyễn Hoàng đã tạo ra đà thúc đẩy đầu tiên khi, ngay từ lúc nắm quyền hành tại Thuận Quảng, đã chú trọng tới việc biến các vùng biên trấn còn rất thưa dân và là nơi lý tưởng để định cư những người bị đày và bị tội biệt xứ thành một vùng đất có tổ chức và dễ sống hơn. Sức hút của các vùng đất này đã sớm có tác động đến các tầng lớp dân cư khốn quẫn của Đàng Ngoài, đặc biệt tại Thanh Nghệ, nơi phải chịu những hậu quả nặng nề của các cuộc nội chiến trong nửa sau thế kỷ XVI. Những đợt nhập cư đông đảo nhất đã diễn ra vào các năm 1559, 1572 và 1608”[12].

Với một xã hội mở, phức cảm tâm lý, đa chủng tộc và đa sắc thái văn hóa, điều dễ nhận thấy với nhà cầm quyền Đàng Trong là cần xây dựng một thiết chế văn hóa làm bệ đỡ cho chế độ chính trị quân quyền cha truyền con nối đang từng ngày khẳng định thế vững chắc. Có thể thấy các chúa Nguyễn trong thế kỷ XVII không còn tha thiết với mô hình quân chủ Đàng Ngoài theo mô hình Trung Hoa (Vietnam and China model) cùng yếu tố thâm căn cố đế quân quyền bảo thủ đến mức độ quan liêu cao độ (beaureau czaritie) của tập đoàn Lê - Trịnh nữa.

Nhưng vấn đề đặt ra là sẽ xây dựng xứ sở mới dựa trên căn tính gì và dựa vào nền tảng tư tưởng ở đâu? Câu trả lời thấy rõ đó là căn tính dân tộc hòa lưu khai mở mềm dẻo và tinh thần xã hội dựa trên nền tảng của Phật giáo - một tôn giáo khoan dung, mềm dẻo và gần gũi với dân tộc tính của người Việt vị tha, khoan, giản, an, lạc.

Về vấn đề đó, Việt Nam Phật giáo sử lược do Thượng tọa Thích Mật Thể soạn năm 1943 đã viết: “Trong lúc Phật giáo ở ngoài Bắc được phục hưng, đồng thời trong Nam cũng có cơ xương thạnh. Nhất là khi ngoài Bắc bị đình đốn, trong Nam lại phát đạt thêm nhiều. Từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, thì miền Nam được mở mang mọi phương diện. Trong hơn 200 năm, họ Nguyễn đối với Phật giáo hết lòng sùng thượng, nào dựng chùa, nào đúc tượng, đúc chuông rất nhiều”[13].

2.3. Cơ sở kinh tế
Để minh chứng cho nhận định của chúng tôi, trong Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII của Nguyễn Thanh Nhã đã ghi ở hai Đàng, “các chúa ganh đua nhau xây dựng những cung điện thật tráng lệ với tất cả các đặc trưng của một Triều đình thực thụ. Đồng thời, hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo chung, các chúa lao vào việc xây cất những cung điện và đền đài tôn giáo đồ sộ”[14], tương đồng với đánh giá của Tiến trình lịch sử Việt Nam, “từ thời Mạc, nhiều chùa mới được dựng, đến thời Lê Trung hưng nhiều chùa lớn được trung tu”[15].

Điều dễ nhận thấy diễn trình Nam tiến trong chiều dài lịch sử là khu vực phía Nam có nhiều điều thuận lợi cho chính quyền và cư dân Việt nếu so sánh với các phương trời khác. Phía Bắc giáp giới với nước Trung Hoa với tư tưởng Đại Hán “Hoa-Di” và bành trướng bốn phương, tám hướng. Phía Đông tiếp giáp với biển Đông có bờ biển dài nhưng sóng to gió cả. Người Việt đứng trước biển nhưng dường như quay lưng với biển trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển quốc gia - dân tộc[16]. Phía Tây thì Tây Bắc với địa hìnhDốc lên khúc khửu dốc thăm thẳm (Tây Tiến/Quang Dũng), miền Trung dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ với sinh cảnh Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/Bên lặng gió, bên mưa bay. Phía Nam tạo ra một không gian sinh tồn mở, thoáng đạt và nhiều điều kiện để sinh cơ lập nghiệp, tạo dựng một cuộc đời mới và một diện mạo văn hóa mới tươi sáng hơn. Trước khi mệnh chung (1613), chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã căn dặn thần tử: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, phía Nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia [Thạch Bi sơn] vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời căn dặn của ta”[17].

Đàng Trong nói chung và Quảng Nam nói riêng có được điều kiện thuận lợi về chính trị, xã hội và kinh tế như vậy là những cơ sở quan trọng để phát triển các yếu tố văn hóa tinh thần bởi “có thực mới vực được đạo”, “phú quý sinh lễ nghĩa” nếu như chúng ta hiểu theo nghĩa tiến bộ/tích cực.

Đất rộng người thưa, của nhiều người ít ở Quảng Nam/Đàng Trong là tấm gương tương phản bộ mặt kinh tế - xã hội nếu so sánh với khu vực châu thổ lấy Thăng Long/Đàng Ngoài làm trung tâm. Trong Phủ biên tạp lục (1776)[18], Lê Quý Đôn đã không tiếc lời khen xứ Quảng là vùng đất trù mật của cải, sản vật và đông đúc cư dân tụ họp trong các làng mạc và các loại hình chợ búa ở đây. Muốn tô tượng, tạc bia, khai sơn lập chùa, hoàng dương phật pháp thì rất cần đến nhân tâm, lòng thành và tiền tài vật lực của Nhà nước và dân chúng. Đúng như nhận định của Karl Marx, trước khi làm nghệ thuật thơ ca, chính trị và sinh hoạt tôn giáo thì con người cần phải có cái ăn trước đã.

3. Vai trò của Phật giáo đối với xã hội Quảng Nam thế kỷ XVII

3.1. Ổn định nhân tâm, tập hợp dân chúng, xây dựng một trật tự xã hội mới
- Có thể thấy các chúa Nguyễn trong nửa sau thế kỷ XVI và thế kỷ XVII đã dùng đến Phật Giáo để ổn định nhân tâm khi cai trị vùng đất mới.
Đầu tiên Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa (1558), sau đó năm 1570[19] kiêm quản xứ Quảng Nam để tạo thế lực và vây cánh cho mình. Vì ở vùng biên ải lam chướng khí độc nên vùng Thuận Quảng không phải nộp thuế phú cho vua Lê mà chỉ có lệ cống định kỳ. Đó là cơ sở quan trọng để dân chúng không phải chịu quá nhiều gánh nặng tô thuế đóng góp cho chính quyền. Trong thời gian nói trên, về cơ bản bộ máy cai trị của chúa Nguyễn còn giản đơn, có sự đan xen giữa luật pháp/hương ước ở đồng bằng và luật pháp/luật tục ở miền biên viễn/sơn cước trong quản trị xã hội và giải quyết mâu thuẫn tranh chấp trong dân gian.

Bộ máy quan/lại (Mandarin) cai trị của các chúa Nguyễn từ Trung ương xuống làng/xã/buôn tinh gọn đã giảm gánh nặng đóng góp máu mỡ của dân chúng. Điều đó cho phép dân chúng cày sâu cuốc bẫm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của gia đình gia tộc cũng như đóng góp vào ngân sách chính quyền và chi dùng cho hoạt động khác trong đó có sinh hoạt Phật giáo. Chính quyền chúa Nguyễn đã có sự kế thừa và phát huy tinh thần khoan dung xã hội khoan, giản, an, lạc thời họ Khúc (905-923) hoặc sự sùng tín Phật giáo cao thời Lý (1009-1225) nhưng được ứng dụng trong khung cảnh mới và những con người mới. Phật giáo đã khuyên dạy các chúa Nguyễn và con cháu họ trong quá trình cai trị phải thương dân, gần dân, cảm thông với những nỗi vất vả của dân, giải thoát vui ngay giữa cuộc đời dù ai ai cùng bằng câu hết, đã là con người đều phải đối diện với chủ đề của Phật giáo: thành-trụ-hoại-không.

Dù quy nạp ở mệnh đề “cư Nho, mộ Thích” từ Chúa-Quan/Lại-Dân dưới thời các chúa Nguyễn, tính riêng thế kỷ XVII có thể thấy: Đời sống lý tưởng của Nho giáo là tu-tề-trị-bình diễn giải ra là từ chỗ hoàn thiện bản thân đến mở rộng sự yên vui, thái hòa từ nhà đến làng đến nước. Lý tưởng đó gặp gỡ và hòa trộn với Phật giáo Đại thừa Đàng Trong là thực hành Phật pháp để tạo lập một cõi Phật ở thế gian.

Không phải ngẫu nhiên trong các đời chúa Nguyễn có những tục danh rất Phật giáo. Dẫn chứng như chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn gọi là chúa Sãi, Nguyễn Phúc Lan là chúa Thượng, Nguyễn Phúc Tần là chúa Hiền, Nguyễn Phúc Trăn là chúa Nghĩa. Trong 9 đời chúa ở Đàng Trong (1558-1775) thì duy nhất có chúa Nguyễn Phúc Chu là quy y tam bảo ngũ giới, thọ Bồ Tát giới với Thiền sư Thạch Liêm (1695), được ban pháp danh Hưng Long, đạo hiệu Thiên Túng Đạo Nhân. Phật giáo Quảng Nam/Đàng Trong hưng thịnh nhất dưới thời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Theo Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Vương “là người rất sốt sắng cùng đạo Phật trong một thời gian dài ở ngôi, biết bao nhiêu chùa tháp bởi vua được dựng nên hay sửa lại”[20].

Quan sát nhà chúa thành tâm như vậy nên dễ nhận thấy các bà phi, bà chúa, bá quan văn võ cho đến quần chúng nhân dân đua nhau quy y tam bảo trở thành phật tử thành tâm kính Phật cũng là điều dễ hiểu. Sau hơn 1 năm đến Thuận Hóa theo lời mời của Minh Vương, Thiền sư Thạch Liêm “đã cố vấn cho chúa Nguyễn Phúc Chu các mặt chính trị, ngoại giao, quân sự, giáo dục, dùng kinh điển Nho giáo, đào tạo nhân tài”[21].

- Tập hợp dân chúng trong công cuộc kiến thiết kinh tế - xã hội, trong chiến tranh bảo vệ sự xâm lấn của phía Bắc và mở mang bờ cõi về phương Nam.

Tinh thần của Phật giáo là cứu khổ, cứu nạn, luôn bình đẳng giữa các chúng sinh và giang tay ra giúp đỡ con người trong trầm luân biển khổ trần ai. Nhưng Phật giáo không thuần túy lánh đời, lụy tục, tiêu dao như những quan niệm đơn giản, cứng nhắc của lý luận giáo điều. Mà ngược lại, Phật giáo luôn khuyên chúng tăng và chúng sinh cần phải tích cực tu tập Phật pháp và lao động xã hội để tạo của cải vật chất nuôi sống bản thân và đóng góp cho cộng đồng. Phật giáo khuyên con người làm kinh tế nhưng phải có thương đạo, cúng Phật phải có lòng thành, hạn chế sát sinh chứ không phải tuyệt đối không sát sinh. Đối với người giàu có ở xứ Quảng, Phật giáo khuyên họ điều hằng tâm, hằng sản[22] làm các việc phúc đức, chia sẻ những cái họ có nhiều cho những người thiếu thốn, tránh làm điều tham lam, bất nhân, thất đức. Trong cuộc tranh chấp Đàng Trong và Đàng Ngoài xen lẫn hưu chiến, cư dân Quảng Nam/Đàng Trong vẫn phải cầm vũ khí lao vào cuộc chém giết. Máu, mồ hôi, nước mắt, sự mất mát đau thương là không thể trách khỏi, không ít mà còn là rất nhiều. Những lúc đó, trước, trong và sau mỗi cuộc chiến, Phật giáo đóng vai trò là liều thuốc tinh thần an ủi linh hồn của những sĩ dân tử nạn đồng thời khuyên nhủ chúng dân tiếp tục sống và lao động trong quy luật nhân quả và nghiệp báo hướng tới tương lai tốt đẹp hơn “ở hiền thì gặp lành” như Quan Âm Bồ tát tưới nước cam lộ lên đời sống tâm linh của con người.

Sự tôn sùng Phật giáo của chúa Nguyễn ở Đàng Trong ngoài nhu cầu tâm linh của cá nhân và gia tộc nhà Chúa còn có các động cơ khác, trong đó có động cơ chính trị. Các tác giả Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã có nhận xét xác đáng: “Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong, đàng nào cũng tỏ ra hâm mộ Phật giáo, đối với các chúa rất có lợi về chính trị, vì lôi kéo một số người theo đạo Phật về phía mình”[23].

- Góp phần xây dựng một trật tự xã hội mới, không thuần nhất phía Bắc, nhưng cũng không hẳn ly/tách khỏi dòng chảy chính văn minh Đại Việt, mà đã bổ sung những giá trị mới sinh động đa dạng vào văn hóa văn minh dân tộc.

Phật giáo Quảng Nam thế kỷ XVII đã thúc đẩy và làm cho con người nơi đây yêu cái thiện, ghét cái ác, cảm cái chân, thuần cái mỹ, thương người, giúp người trong cơn hoạn nạn (xem việc cứu vớt thuyền buôn, thương nhân nước ngoài), cứu người trong cảnh nguy nan, an ủi người đau khổ, che chở người yếu hèn, lấy sự nhường nhịn làm phương châm xử thế, lấy sự quân bình hòa hợp (lục hòa) làm mục đích cho cuộc sống. Phật giáo xứ Quảng đã có lời khuyên đối với giới Nho sĩ biết khiêm nhường, không kiêu căng ỷ tài hại dân hại nước “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Có thể thấy trong thế kỷ XVII, Phật giáo Quảng Nam đã đóng góp một phần quan trọng vào sự hình thành cho cư dân nơi đây một tiểu vùng văn hóa cương cường nhưng khoan dung, đầy tính nhân đạo, đầy tính nhân sinh tốt đẹp và tính phản biện phát triển. Điều đó ảnh hưởng rất lớn về sau đến các phong trào Nghĩa hội cuối thế kỷ XIX, phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX, cũng như phong trào đấu tranh trong cách mạng giải phóng dân tộc (1930-1975) và công cuộc đổi mới từ 1986 đến nay diễn ra sôi nổi trên mảnh đất này.

3.2. Kiến tạo các giá trị vật thể
- Kiến thiết các ngôi cổ tự
Chùa là nơi tu tập Pháp pháp và tiến hành Phật sự của chúng tăng cũng như tu học của tín đồ. Chùa là nơi hành hương chiêm bái của Phật tử. Chùa là nơi vãn cảnh của du khách thập phương. Chùa là nơi giang tay mở rộng sự khoan lương trì độ của mọi con người không phân chia thứ bậc xã hội. Với những ý nghĩa như thế, chùa là nơi tôn nghiêm sinh hoạt Phật giáo của tăng sĩ và phật tử.

Thời Chămpa, Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) là Phật viện nổi tiếng. Dấu ấn Phật giáo Ấn Độ còn để lại rải rác ở miền Trung Việt Nam hiện nay (tháp, tượng, bi ký). Nhưng điều đáng chú ý là dấu vết và ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa Chămpa không rõ nét, gần như mở nhạt đối với người Việt định cư ở Quảng Nam.

Đầu thế kỷ XVI, xã hội Đại Việt loạn lạc, xuất hiện những vua quỷ, vua lợn, đảo chính cung đình, thí quân, thay đổi vương triều, nạn cát cứ của các sứ quân, nhân dân đói khổ phiêu tán ở miền Bắc Đại Việt… cùng sự suy đồi của Phật giáo kéo dài từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XVI đã tác động rất lớn đến sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.

Tuy nhiên, ở phía Nam cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, Phật giáo bước vào thời hưng thịnh mới. Những quan niệm về Phật giáo ở Đàng Trong có cơ duyên phát triển vì cư dân thiên về hành vi cầu an, ăn chay, tham gia chẩn tế, cúng dường, phóng sinh, giữ giới, niệm Phật tỏ lòng thành kính… hơn là bàn về bản thể luận và những triết lý sâu xa nhiệm mầu của Phật pháp có tính lý luận và trừu tượng cao, đòi hỏi phải có trình độ học vấn và tri thức nhất định mới có thể hiểu được.

Theo Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng (2010), ngôi chùa được xây sớm nhất ở Hội An là chùa Chúc Thánh(thế kỷ XV). Tuy nhiên theo Việt Nam Phật giáo sử luận I-II-II (2010), Thiền sư Trung Hoa Minh Hải - Pháp Bảo là người khai sơn chùa Chúc Thánh sau khi tham dự giới đàn tại chùa Linh Mụ năm 1695. Còn phần lớn các ngôi cổ tự ở Quảng Nam được xây dựng trong thế kỷ XVII như: chùa Long Hưng do chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng năm 1602 ở dinh trấn Thanh Chiêm - Quảng Nam, nay không còn dấu tích. ChùaBảo Châu năm 1607 tại xã Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên. Chùa Linh Sơn năm 1645 ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Chùa Long Thủ năm 1657 ở Hải Châu, Đà Nẵng. Chùa Láng Thọ còn gọi là chùa Vạn Đức do Thiền sư Minh Lượng xây dựng năm 1676. Chùa Hải Tạng ở Cù Lao Chàm (1678). Chùa Phổ Khánh ở Ái Nghĩa - Đại Lộc (1678). Chùa Tam Thai không rõ năm dựng nhưng được nhắc đến trong Hải ngoại kỷ sự của Thiền sư Thạch Liêm năm 1695. Chùa Phước Hòa ở Tam Kỳ (1697)…

Sự xuất hiện hoặc phục dựng các ngôi chùa cho thấy sự phát triển của Phật giáo về mặt vật chất, nhưng chưa hẳn đồng nghĩa với sự thịnh đạt của Phật giáo đương thời. Thậm chí có ý kiến phê phán sự xuống cấp và hỗn loạn của Đạo pháp thể hiện qua sự thiếu hiểu biết cơ bản về Tam Tạng (Kinh-Luật-Luận) của sư sãi và tăng đồ ở Quảng Nam (nhận xét của Thiền sư Thích Đại Sán).

- Chế tác pháp tượng, pháp khí, tạc/tô tượng, đúc chuông, lập bia, tạo bích họa tích Phật. Xây dựng các bảo tháp (stupa) cho các danh tăng sau khi viên tịch. Điều đó vừa có tác dụng bao lưu di ảnh của các bậc đại sư đi trước, vừa có tác dụng giáo dục sự truyền thừa cho chúng tăng và quần chúng phật tử chiêm bái ngưỡng vọng, đồng thời là di sản quý của Phật giáo Quảng Nam để lại cho hậu thế hôm nay.

3.3. Truyền bá các giá trị tinh thần Phật giáo khoan dung
- Mở đàn truyền giới/pháp, hình thành các đạo tràng: Theo các sách về lịch sử Phật giáo Việt Nam, trong thế kỷ XVII-XVIII ở Quảng Nam số danh tăng tương đối ít nếu so sánh với vùng Thuận Hóa lấy đô thành làm trung tâm. Tuy nhiên, chúng ta có thể kể tên một số vị thiền sư có công lớn hoằng dương Phật pháp ở đây như: Hương Hải Thiền sư (1628-1715), Quốc sư Hưng Liên trú trì ở chùa Tam Thai, Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo trú trì ở chùa Chúc Thánh, Thiền sư Minh Lượng trú trì ở chùa Vạn Đức/Long Thọ. Qua Phật sự của các danh tăng, trong thế kỷ XVII đã mở được một số đàn để trao truyền giới/pháp, cấp giới điệp ở Quảng Nam cho tăng chúng có cơ sở pháp lý để hành đạo.

- Thỉnh kinh sách từ Trung Hoa: Các bộ kinh của Phật giáo Trung Quốc được thỉnh/mua/tặng từ Trung Quốc vào Đàng Trong, được tàng trữ trong các Văn thư phòng của các chùa.

- Ấn tống kinh, sách Phật: Ấn hành kinh Phật trong nội bộ Phật giáo cũng như đưa ra xã hội để tín đồ và nhân dân có điều kiện tiếp cận Tam Tạng (Lý-Luật-Luận). Dấu ấn của Phật giáo trong việc tụng kinh, gõ mõ, đi vào trong ngôn ngữ, thơ ca dân gian, tuồng, chầu văn người xứ Quảng cũng như âm nhạc dân gian vẫn còn lưu giá trị đến ngày nay.

- Giáo dục tinh thần từ bi hỉ xả, hướng thiện, bình đẳng, vô ngã vị tha và cứu khổ cứu nạn: Giáo lý và đạo đức của Phật giáo đã bổ sung và làm phong phú đạo đức của người Việt xứ Quảng. Sự hiện diện Phật giáo với tư cách một tôn giáo/triết thuyết/thực hành thuyết qua sinh hoạt của chư tăng và chúng phật tử đã góp phần nâng cao trí tuệ cho cuộc sống con người xứ Quảng thực hiện đạo lý nhập thế hành động ở đời mà vui đạo, góp phần bảo vệ các giá trị nhân văn nhân bản, làm cho con người tự giác tôn trọng lệ làng, phép nước, tôn trọng trật tự kỷ cương và từ đó tác động tích cực đến phát triển kinh tế. Đạo Phật lấy cứu khổ cứu nạn làm đầu, lấy con người làm trọng như tấm gương sáng ngời của Phật (Buddha) là bậc tự giác, giác tha, giác hạnh và viên mãn[24]. Đạo Phật là thành tâm, bình đẳng. Tu tập thành Phật không phải nhờ bổn sư mà nhờ ở lời giáo huấn của bổn sư để tự mình cứu lấy mình.

Khi chúa Nguyễn Phúc Chu hỏi Thiền sư Thạch Liêm làm sao để trai giới, thì Thiền sư trả lời trai giới của một ông vua không thể giống trai giới của thường dân. Thiền sư khuyên nhà Chúa trai giới bằng cách trả tự do cho người bị giam cầm oan, phóng thích bớt tù nhân, chẩn cấp kẻ nghèo đói, tháo gỡ cho người bị đè nén, bãi bỏ bớt luật lệ nghiêm khắc, dễ dãi với người buôn bán và thợ thuyền. Nhà chúa đã nghe lời ông. Đó là công trình giáo hóa lớn nhất của Thiền sư Thạch Liêm[25].

3.4. Mở rộng đất Phật, thu hút Phật tử, tạo nên diện mạo Phật giáo mới xứ Đàng Trong
- Từ vùng trung tâm Thuận - Quảng, Phật giáo được truyền bá sâu rộng vào phía Nam đến những vùng đất mới như Quảng Ngãi, Biên Hòa, Gia Định, Tiền Giang.

- Trên cơ sở các tông phái như Tỳ Ni, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Trúc Lâm xuất hiện trước, trong thế kỷ XVII ở Quảng Nam du nhập và lập thêm những tông phái mới. Sơ kỳ thế kỷ XVII là dòng thiền Lâm Tế tông, hậu kỳ thế kỷ XVII là dòng thiền Tào Động tông xuất hiện ở Đàng Trong/Quảng Nam đi cùng với nó là các dòng truyền thừa và kệ mới phái sinh từ 2 dòng thiền chính này.

- Thu hút phật tử tham gia sinh hoạt tôn giáo và hướng thiện xã hội. Phật giáo Quảng Nam thế kỷ XVII đã đóng góp vai trò đoàn kết các nhóm tộc người ở đây vì hạnh phúc và lợi lạc, vì lòng từ bi và yêu chuộng hòa bình dù rằng đó là thế kỷ liên tiếp diễn ra các cuộc chiến chinh ở phía Bắc và tiến về phương Nam mở cõi.

- Tạo nên diện mạo mới cho Phật giáo xứ Đàng Trong: Đó là diện mạo (face) của dòng Phật giáo bản địa kết hợp với những yếu tố Phật giáo du nhập từ Trung Hoa đã tạo nên sự dung hợp/tiếp biến/nảy sinh Phật giáo Quảng Nam nói riêng và Phật giáo Đàng trong nói chung có sự đa dạng, khoan dung, bài bản trong chức sắc, tín đồ, Tam Tạng và các di sản vật thể (Tangible heritage) và phi vật thể (Intangible heritage) Phật giáo.

4. Các đặc điểm của Phật giáo Quảng Nam trong thế kỷ XVII
Giống như Phật giáo ở các địa phương khác, Phật giáo Quảng Nam trong thế kỷ XVII trong thủa “mang gươm đi mở cõi” của Tiên chúa Nguyễn Hoàng và con cháu của ông có những đặc điểm như sau:

Thứ nhất, sự nghiệp truyền giáo và chấn hưng Phật pháp ở Quảng Nam thế kỷ XVII mang dấu ấn ôn hòa theo bước chân của chính quyền, dân chúng, tăng sĩ và thương nhân trong và ngoài nước. Nếu như chính quyền luôn cần “thái bình thịnh trị” và “quốc thái dân an”, nhân dân cần “an cư lạc nghiệp”, thương nhân cần hòa bình để phát triển thương mại thì Phật giáo cần hòa bình để truyền đạo. Dấu ấn khai sơn, lập chùa, phổ pháp ở các ngôi chùa cổ kiến thiết ở Quảng Nam thế kỷ XVII ban sơ chỉ có một hoặc một vài vị tăng sĩ, sau đó hoằng dương Phật pháp tiếp tục mở rộng và lan tỏa vào phía Nam.

Thứ hai, song hành cùng sự nghiệp hoằng dương Phật pháp là truyền bá và phát triển văn hóa, giáo dục, thơ ca và nghệ thuật thể hiện dấu ấn cho đến ngày nay trong vùng văn hóa và tâm thức người xứ Quảng đúng như tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc” của Phật giáo Đại Việt.

Thứ ba, tăng sĩ đến truyền giáo pháp ở Quảng Nam trong thế kỷ XVII có sự tôn trọng tư tưởng chính trị chính thống của nhà Chúa cũng như phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cư dân địa phương.

Thứ tư, Phật giáo Quảng Nam không đòi hỏi bất cứ quyền lợi chính trị hay kinh tế cho tôn giáo và tăng đoàn cục bộ, dù rằng không thể tránh khỏi các phần tử tín đồ thân cận các tăng cang, quốc sư, thiền sư danh vọng… để mưu cầu, trục lợi, kiếm chác dựa trên tín ngưỡng của quan/dân nơi đây (lời than phiền của Thiền sư Thạch Liêm trong Hải ngoại kỷ sự).

Thứ năm, Phật giáo Quảng Nam trong thế kỷ XV
Ý kiến bạn đọc ()
Góp ý với chúng tôi trên Facebook
Thông tin Phật giáo
Liên hệ Phật giáo
thongke736761
Tổng số lần truy cập : 736761
Số lần truy cập hôm nay : 67
Số lần truy cập hôm qua : 202
Số lần truy cập tháng này : 6317
Số lần truy cập năm nay : 16326
Số trang xem hôm nay : 219
Tổng số trang được xem : 10934275
Người đang online : 6
Flag Counter
Ban Trị Sự Phật giáo Thừa Thiên Huế
Phật giáo huyện Phú Ninh
Ban Trị Sự GHPGVN huyện Duy Xuyên

 

Copyright© 2016 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam
Bản quyền thuộc : Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam

Địa chỉ: Chùa Đạo Nguyên, số 140 Phan Bội Châu, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: (0510) 3705010 - Email: truyenthongphatgiaoquangnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn phatgiaoquangnam.vn khi sử dụng thông tin từ website này
Thiết kế và chịu trách nhiệm kỹ thuật bởi: 0918.699.246 (Pd. Bảo Khánh Từ)

Email dành cho các cấp Giáo hội và bạn đọc gửi tin tức hoạt động Phật sự, bài viết nghiên cứu đến ban biên tập:
Email:  truyenthongphatgiaoquangnam@gmail.com
Xem hướng dẫn chọn vào đây
Dung lượng tối đa: 11MB
Các định dạng File nén sau: File.rar; File.zip
Các định dạng văn bản sau: File.doc; File.docx; File.pdf