410 314
Ngày đăng: 23:21:48 26-06-2016-- Lượt xem: 6957.
Kích cỡ chữ: Giảm - Tăng

Luận bàn hai chữ " Như Thị" trong câu mở đầu Uy Nghi Quốc Ngữ Diễn Nôm

Uy Nghi Quốc Ngữ Diễn Nôm là một trong số ít những tác phẩm văn học Phật giáo giai đoạn thế kỉ 17 - 18 được viết bằng chữ Nôm còn sót lại cho đến ngày nay. Chúng ta đều biết, nước Việt ta trước phụ thuộc Tàu, sau ảnh hưởng Pháp; người Việt ta trước dùng chữ Hán, sau dùng chữ Quốc ngữ; trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, chữ Nôm không những chưa một lần được vinh dự là “chữ viết chính thống của người Việt” mà nhiều khi “Nôm na” còn bị xem là “cha mánh khóe”, là thứ chữ của tầng lớp bình dân.

 Chính vì sự thiếu coi trọng đó mà các tác phẩm bằng chữ Nôm còn lưu lại được đến ngày nay, nếu so với các tác phẩm được viết bằng chữ Hán thì có thể nói là “ít đến đáng thương”. Và cũng chính vì sự thiếu coi trọng đó mà các văn bản viết bằng chữ Nôm không có được tính thống nhất, tính chính xác như các văn bản viết bằng thứ chữ khác. Từ đó gây nên rất nhiều khó khăn cho các học giả hiện đại trong việc nghiên cứu, đồng thời cũng tạo ra rất nhiều hiểu lầm cho những người chỉ được học bằng chữ Quốc ngữ sau này.

Tác phẩm Uy Nghi Quốc Ngữ Diễn Nôm cũng không ngoại lệ, nếu ta đem so sánh các văn bản đã được viết lại bằng chữ Quốc ngữ hiện đang lưu hành thì sẽ thấy có rất nhiều chỗ khác nhau. Ví dụ, ngay trong câu mở đầu đã không thống nhất, có nơi thì viết “Như thị cùng dòng Chân Nguyên([1])”, có nơi thì viết “Như Thị cùng dòng Chân Nguyên([2])”, có nơi lại viết “Như thị cũng dòng Chân Nguyên([3])”. Nhìn kĩ ta sẽ thấy chỗ khác nhau của ba câu trên, và những chỗ tương tự như thế trong suốt tác phẩm còn rất nhiều. Lý do là cùng một chữ, nhưng mỗi người sẽ có cách hiểu khác nhau, từ đó cách phiên âm cũng khác nhau. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ bàn đến hai chữ “Như thị” ở ngay câu mở đầu này mà thôi. Bởi lẽ, ý nghĩa của hai từ này ít nhiều có liên quan tới vấn đề lịch sử, nên không thể kết luận một cách quá vội vàng.

Theo như những gì tôi được học trong những năm an cư tại hạ trường Thanh Hóa thì hai từ này được chư tôn đức giải thích theo hai cách:

- Cách thứ nhất, “như thị” được giải thích như một đại từ, dịch nghĩa là: “như vậy, như thế, đúng thật như thế...”; và cũng có thể xem nó là một danh từ, chỉ “tín thành tựu”, một trong sáu loại thành tựu mà chúng ta thường thấy trong kinh điển đại thừa.

- Cách thứ hai được giải thích như một danh từ riêng, đó là tên của một vị thiền sư, thiền sư Như Thị, “Ngài là đệ tử của thiền sư Chân Nguyên” (Thích Tiến Đạt, 2007, tr. 46) và cũng chính là người sáng tác ra tác phẩm này.

Trước khi đi vào phân tích hai cách giải thích đó, tôi xin viết hai chữ này ra để dễ bề phân biệt: với cách hiểu thứ nhất sẽ viết là “như thị” (如是) và với cách hiểu thứ hai sẽ viết là “Như Thị” (如是hoặc 如示 đều được), ta thấy cả hai trường hợp âm đọc đều giống nhau, chỉ là ý nghĩa khác nhau nên khi phiên âm thành chữ Quốc ngữ có phân ra viết hoa và viết thường.

Với cách giải thích thứ nhất, chúng ta thử đặt nó vào trong câu, nghĩa câu đó sẽ là: “ như thế/ đúng thật như thế/ như vậy cùng một dòng với thiền sư Chân Nguyên”, câu này thật sự rất tối nghĩa. Xét từ một khía cạnh khác, từ như thị theo lý thì chỉ xuất hiện trong kinh và là lời của ngài A Nan. Như vậy, nếu hiểu theo cách thứ nhất này thì có chăng tác giả đã có phần lạm dụng ngôn từ trong tác phẩm của mình. Vì vậy, bản thân tôi không đồng ý với cách giải thích này.

Còn cách giải thích thứ hai, nếu xét trên mặt ngôn ngữ thì hoàn toàn hợp lý: “Thiền sư Như Thị cùng một dòng với thiền sư Chân Nguyên”, ta thấy nghĩa lý tương đối rõ ràng. Nhưng nếu xét trên phương diện lịch sử thì không được thõa mãn cho lắm. Tôi đã đọc và tra cứu một số tác phẩm viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam như: Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang (thiền sư Thích Nhất Hạnh), Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của thiền sư Thích Mật Thể, Thiền Sư Việt Nam của thiền sư Thích Thanh Từ, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của giáo sư Lê Mạnh Thát... Nhưng không ở đâu bắt gặp vị thiền sư có tên là Như Thị mà là để tử của thiền sư Chân Nguyên cả. Ngay cả trong sách Những Điều Căn Bản Dành Cho Người Mới Xuất Gia của thượng tọa Thích Tiến Đạt (tài liệu duy nhất hiện có chú thích từ này) cũng chỉ chú thích như trên mà không trích dẫn nguồn, cũng không cung cấp thêm thông tin gì về thân thế sự nghiệp của Ngài. Vẫn biết rằng lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề mà hiện nay các nhà nghiên cứu sử cũng không đủ tài liệu để khảo cứu làm rõ, nhưng nếu chỉ căn cứ vào hai chữ “Như thị” này mà kết luận ngay Ngài là đệ tử của thiền sư Chân Nguyên và cũng là tác giả của bản Uy Nghi Quốc Ngữ Diễn Nôm thì tôi nghĩ chúng ta đã có phần hơi vội vàng, hơi dễ dãi đối với lịch sử. Với quan điểm này, tôi không phủ nhận hoàn toàn mà chỉ đặt ra một câu hỏi chờ, đến một ngày nào đó tìm được tài liệu xác minh chúng ta sẽ khẳng định lại sau.

Một vấn đề tưởng chừng rất nhỏ, nhưng nó đã luẩn quẩn trong tâm trí tôi suốt nhiều năm qua. Và cuối cùng, tôi cũng đã tìm ra được một cách giải thích khác mà tôi nghĩ nó có nhiều căn cứ hơn hai cách giải thích vừa nêu trên.

Theo tôi, từ “Như thị” này phải viết là 如氏 thì đúng hơn, vì nó có âm đọc giống với hai từ 如是hoặc如示, thêm vào đó chúng ta không tìm được bản viết bằng chữ Nôm để đối chiếu nên mới hiểu lầm. Cũng xin nói thêm, đây tuy là tác phẩm chữ Nôm, nhưng bên trong có nhiều từ vẫn là từ Hán, văn phạm Hán; ví dụ từ “đạo thính (nghe trộm, nghe lén)” trong câu “chẳng được đạo thính chê cười; lại ví dụ từ “trung tòa (chỗ ngồi ở giữa)” trong câu “hai bên thời được trung tòa trụ tăng”... chữ “Như thị” này cũng thuộc một trong số đó. Chữ  ở đây có thể hiểu theo hai cách mà ý nghĩa thì cũng không khác nhau nhiều:

- Cách thứ nhất, có nghĩa là “họ, ngành họ” (Thiều Chửu, 2005, trang 297), kết hợp lại ta có 如氏nghĩa là “họ Như, ngành họ Như hay dòng Như”, cả câu đó sẽ là “họ/dòng Như cùng một dòng với thiền sư Chân Nguyên”. Để cho rõ ràng hơn, tôi xin trích ra một câu trong kinh Pháp Bảo Đàn, đoạn nói về gia thế của Lục Tổ mà trong đó cũng dùng cấu trúc “(...) thị” như sau:

大师名惠能。父卢氏。讳行滔。母李氏。诞师於唐贞观十二年戊戌岁二月八日子时。

Âm: “Đại sư danh Huệ Năng, phụ Lư thị, húy Hành Thao, Mẫu Lý thị. Đản sư ư Đường Trinh Quán thập nhị niên mậu tuất tuế nhị nguyệt bát nhật tí thời”.

Dịch: Đại sư tên là Huệ Năng, thân phụ của Ngài họ Lư, tên húy là Hành Thao, thân mẫu của Ngài họ Lý. Ngài sinh vào giờ tí, ngày mồng 8 tháng 2 năm mậu tuất, niên hiệu Trinh Quán thứ 12 đời nhà Đường.

Từ Như thị mà chúng ta đang bàn ở đây cũng có cấu trúc giống như vậy.

- Cách thứ hai,  có nghĩa là “học phái” (http://www.hanviet.org/). Ví dụ, khi nói  (Lão thị) là chỉ cho học phái của Lão tử, nói  (Thích thị) là chỉ cho học phái của đức Phật Thích Ca Mâu Ni... Tương tự khi nói 如氏 sẽ là học phái của thiền sư Như (???), tất nhiên dòng Như này đều là đệ tử của thiền sư Chân Nguyên thế kỉ 17 - 18, nên Uy nghi mới mở đầu bằng câu: “học phái của thiền sư Như (???) cùng một dòng với thiền sư Chân Nguyên” là như vậy.

Cả hai cách hiểu trên đều có nghĩa, nhưng một câu hỏi mới lại được đặt ra là: vậy rốt cuộc ai, hay nói cách khác, thiền sư Như (???) là người đã viết ra bản Uy Nghi Quốc Ngữ Diễn Nôm này? Tuy nhiên, câu hỏi này đã không còn là một ẩn số, bởi ta đã có thể tìm thấy câu trả lời thỏa đáng trong bộ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (2012) của Nguyễn Lang (thiền sư Thích Nhất Hạnh), phần nói về thiền sư Chân Nguyên và các đệ tử của Ngài (trang 443), tôi xin trích dẫn nguyên văn: “Ông (thiền sư Chân Nguyên) còn hiệu đính và trùng khắc Thánh Đăng Lục, các thế hệ sau ông được phú chúc sự nghiệp phục hồi nền văn học Phật giáo nước nhà. Như Trí trùng san Thiền Uyển Tập Anh (1715). Như Sơn soạn Kế Đăng Lục (1734)Như Trừng và Như Hiện chuyển ra văn Nôm những văn bản về giới luật như Sa Di Thập Giới,Hai Mươi Bốn Thiên Uy Nghi([4])...”. Ngẫm nghĩ và đối chiếu với những phân tích ở trên, ta thấy hai cách nhận định hoàn toàn ăn khớp nhau, bổ khuyết cho nhau. Vì vậy, tôi có thể tạm kết luận rằng:

- Hiện tại chưa tìm được bằng chứng nào chứng minh có một thiền sư tên Như Thị là đệ tử của thiền sư Chân Nguyên.

- Trong bản “Uy Nghi Quốc Ngữ Diễn Nôm” sở dĩ tác giả dùng từ “Như thị” là bởi vì tác phẩm này do hai thiền sư Như Trừng và Như Hiện (cùng dòng Như, cùng là đệ tử của thiền sư Chân Nguyên) cùng nhau thực hiện, nên dùng từ Như thị để chỉ chung cho cả hai thiền sư.

Do trong tay tôi không có được bản gốc bằng chữ Nôm của tác phẩm này, mà những kết luận rút ra ở trên đều là kết quả của sự suy luận căn cứ trên các tài liệu bằng chữ Quốc ngữ, nên bản thân tôi cũng chỉ dám nói là “tạm kết luận” mà không dám quả quyết quan điểm của mình là hoàn toàn chính xác. Rất mong sau này có vị nào có được bản gốc sẽ giúp tôi đối chiếu hoặc đính chính lại!

 

 

 Tài liệu tham khảo:

$11. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, NXB Phương Đông, 2012.

$12. Thích Mật Thể, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, NXB Tôn Giáo Hà Nội, 2004.

$13. Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, NXB Thuận Hóa, 1999.

$14. Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, NXB Tôn Giáo Hà Nội, 2003.

$15. Thiều Chửu, Hán Việt Tự Điển, NXB Văn Hóa Thông Tin Hà Nội, 2005.

$16. Thích Tiến Đạt, Những Điều Căn Bản Dành Cho Người Mới Xuất Gia, NXB Tôn Giáo Hà Nội, 2007.

$17. Một số website: http://www.hanviet.org/

http://hoavouu.com/a24576/8-thien-su-chan-nguyen-con-nguoi-cua-the-ky-17

http://phatgiao.org.vn/phong-su-anh/201401/Bo-da-ngoi-chua-doc-dao-co-kinh-nhat-vung-Kinh-Bac-11409/

 

 

 

([1]) Bản tổ đình Thanh Hà Tp.Thanh Hóa sử dụng trước đây.

([2]) Bản tổ đình chùa Ngọc Quán, chùa Linh Minh và một số tổ đình khác ở Hà Nội hiện đang sử dụng.

([3]) Trích trong bài “Thiền sư Chân Nguyên con người của thế kỷ17” của Như Hùng.

          ([4]) Là cách gọi cũ của “Uy Nghi Quốc Ngữ Diễn Nôm”.

Viết bởi Thích Nguyên Đạt

Ý kiến bạn đọc ()
Góp ý với chúng tôi trên Facebook
Thông tin Phật giáo
Liên hệ Phật giáo
thongke751495
Tổng số lần truy cập : 751495
Số lần truy cập hôm nay : 51
Số lần truy cập hôm qua : 320
Số lần truy cập tháng này : 7296
Số lần truy cập năm nay : 31060
Số trang xem hôm nay : 299
Tổng số trang được xem : 11024795
Người đang online : 2
Flag Counter
Ban Trị Sự Phật giáo Thừa Thiên Huế
Phật giáo huyện Phú Ninh
Ban Trị Sự GHPGVN huyện Duy Xuyên

 

Copyright© 2016 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam
Bản quyền thuộc : Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam

Địa chỉ: Chùa Đạo Nguyên, số 140 Phan Bội Châu, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: (0510) 3705010 - Email: truyenthongphatgiaoquangnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn phatgiaoquangnam.vn khi sử dụng thông tin từ website này
Thiết kế và chịu trách nhiệm kỹ thuật bởi: 0918.699.246 (Pd. Bảo Khánh Từ)

Email dành cho các cấp Giáo hội và bạn đọc gửi tin tức hoạt động Phật sự, bài viết nghiên cứu đến ban biên tập:
Email:  truyenthongphatgiaoquangnam@gmail.com
Xem hướng dẫn chọn vào đây
Dung lượng tối đa: 11MB
Các định dạng File nén sau: File.rar; File.zip
Các định dạng văn bản sau: File.doc; File.docx; File.pdf